Cội nguồn hạnh phúc là cho chứ không phải là nhận
Trong cuộc đời, có lẽ ai cũng từng giúp người và từng được người giúp. Hiệu quả giúp đỡ phụ thuộc nhiều yếu tố như: khả năng, thiện chí, cách thức… Khả năng thì có hạn vì trong đa số trường hợp, ta không thể vượt quá khả năng của mình.
Hạnh phúc là cho chứ không phải là nhận – Hình minh họa
Thiện chí giúp đỡ có thể là vô hạn tùy thuộc tâm từ bi của mỗi người. Cách thức thì rất đa dạng như giúp công sức, tiền bạc, chia sẻ kiến thức, tình cảm,… đến đối tượng hoặc dựa vào các mối quan hệ để giúp người việc này chuyện kia như xin hộ việc làm, giới thiệu khách hàng. Tuy nhiên, khi nói giúp đỡ, người ta thường hay nghĩ đến giúp về vật chất, gọi một cách nôm na là cho hoặc bố thí.
Có người cho thật dễ dàng, sẵn lòng ban phát tiền của khi bắt gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, đáng thương. Họ giúp đỡ một cách tự nhiên, tự nguyện và có thể bố thí đến những đồng bạc cuối cùng.
Trái lại, có người hiếm khi cho và nếu có thì rất khiêm nhường. Khó khăn lắm họ mới có thể mở hầu bao, trong một số trường hợp gần như là miễn cưỡng. Họ thường viện dẫn các lý do để từ chối như chưa đủ khá giả, đối tượng chưa thực sự đáng giúp, chưa đúng lúc, chưa đúng nơi v.v… Và lý do phổ biến nhất là lo cho người thân còn chưa xong nên chưa nghĩ đến việc giúp người khác. Lý do này thoáng nghe có vẻ hợp tình, hợp lý nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì vẫn thấy dường như chưa ổn.
Lo cho người thân cũng vô chừng như lo cho chính mình. Hơn nữa, không chắc ta đã thực sự lo cho người thân trừ khi giúp họ giải quyết rốt ráo một số khó khăn cụ thể như giúp mua thửa đất, ngôi nhà, chiếc xe, trợ vốn làm ăn. Còn thỉnh thoảng biếu người thân, bạn bè một ít tiền, quà vào dịp lễ lạt hay khi cơ nhỡ thì chỉ là sự giúp đỡ tạm thời. Không thể dựa vào đó để từ chối giúp đỡ những hoàn cảnh như đói khát, thất học, bệnh tật không tiền thang thuốc, chết không tiền ma chay, bị thiên tai, hỏa hoạn. Bởi thực tế, ngay khi đó, ta đâu có giúp người thân mà chỉ nghĩ đến những lần giúp đỡ trước đó hoặc hình dung sau này có thể sẽ phải giúp. Đôi khi còn tự trấn an vĩnh viễn rằng thiên hạ nghèo khổ đầy dẫy trong xã hội, lo sao cho xuể.
Tôi có đứa cháu bị liệt hai chân. Cha mẹ cháu đều là công nhân, nếu khéo gói ghém thì cuộc sống cũng tạm đủ dù phải cưu mang cháu suốt đời. Bởi cháu cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng như khoản trợ cấp hàng tháng từ chính quyền xã, tiền và quà từ các tổ chức từ thiện, sự giúp đỡ thường xuyên của bà con thân tộc. Một bữa nọ, được tin người thầy cũ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, nếu không lo đủ viện phí để tiến hành phẫu thuật thì thầy sẽ bị liệt. Tôi nhanh chóng trích một khoản tiền nhỏ nhưng cũng chiếm đến 1/5 tiền lương tháng để giúp thầy.
Đứa em gái biết chuyện đã trách hơi lớn tiếng:
– Sao không để dành giúp cháu, người nhà không lo, lo làm chuyện bao đồng.
Thực ra nếu không giúp thầy lần đó thì tôi cũng đâu có chi số tiền trên để giúp cháu, bởi tôi đã giúp gia đình cháu rất thường xuyên. Một cách ấm ức, tôi hỏi lại:
– Giả sử hôm nay ra chợ gặp ba người ăn xin, nếu có thể giúp được ba đồng thì ta sẽ cho mỗi người một đồng hay cho luôn một người cả ba đồng, rồi không giúp hai người kia?
Em tôi đáp:
– Hãy giúp người nghèo khổ nhất trong ba người đó!
Tôi hỏi:
– Làm sao biết ai là người đáng giúp nhất?
Em sốt sắng đáp:
– Người có bề ngoài thảm hại, thần sắc tiều tụy, đầy thương cảm là người cần được giúp trước. Cũng có thể ưu tiên theo thứ tự trẻ con, người già, phụ nữ rồi mới đến đàn ông, người bị tật nguyền nặng hay nhẹ,… Khó tả lắm! Tùy thực tế cảm nhận lúc đó mà thôi!
Tôi ôn tồn giãi bày:
– Người ăn xin có nỗi khổ của họ, vừa khổ thân do phải lăn lóc xó chợ đầu đường, dãi nắng dầm sương, vừa khổ tâm do phải cam chịu thân phận thấp hèn, đôi khi còn bắt gặp ánh mắt, thái độ thiếu thân thiện thậm chí khinh khi. Và không hẳn người có bề ngoài tiều tụy nhất là người có hoàn cảnh khó khăn nhất! Bởi có người cố tạo bề ngoài đầy thương cảm thậm chí trông gớm ghiếc để khơi dậy lòng trắc ẩn của người khác nhưng cũng có người do cảnh ngộ bức xúc, phải nén lòng cầu xin sự giúp đỡ và họ không muốn làm ô nhiễm môi trường qua việc phơi bày các thương tật, họ thể hiện chừng mực nỗi khốn khó, tình trạng bi đát của mình đủ để những ai có từ tâm hiểu và giúp họ. Cho nên, thật khó mà đánh giá sự việc chỉ qua bề ngoài hay cảm nhận cá nhân nếu như chưa có được sự cảm nhận sâu sắc hay cái nhìn chính xác. Thôi thì vui giúp tất cả, có thể giúp lầm nhưng cố gắng đừng bỏ sót hay không giúp kịp thời, cố gắng giúp được chừng nào hay chừng nấy, được ngày nào hay ngày ấy, để kẻ khốn khó bớt phần vất vả, qua cơn đói lòng hay thoát cảnh hiểm nguy.
Đứa em gái tuy chưa thừa nhận ngay cách lý giải của tôi nhưng cũng không nói gì thêm nữa. Tôi tin rằng em sẽ nghĩ lại quan niệm về bố thí của mình.